Ông Nguyễn Văn Thơm, 45 tuổi, ở An Giang nhận mình là người nhạy cảm với mọi biến đổi từ dòng Mekong. Gia đình ông từng nhiều năm sống tại Biển Hồ Tonle Sap (Campuchia) rồi xuôi dòng di cư về An Giang. Nhiều thế hệ sống trên sông, ông thấy rõ 20 năm qua dòng sông đã “lạc điệu”.
Năm 2019, khi nghe những người bà con ở Campuchia than nguồn cá tôm ngày càng cạn kiệt, còn nước hồ Tonle Sap bỗng đổi màu từ nâu sang xanh, ông hiểu ngay vấn đề. Sông xanh, tức không còn phù sa nữa, chỉ là dòng nước đói. Càng về hạ nguồn, “cơn đói” sẽ càng trầm trọng.
“Tục ngữ Campuchia có câu nơi nào có nước, nơi đó có cá. Nhưng dường như vùng đồng bằng này không thật sự còn nước nữa”, ông tự đúc kết.
Những người dân như ông Thơm sống phụ thuộc vào dòng sông, còn con sông lại chịu tác động của thượng nguồn.
Trước năm 1990, trung bình mỗi năm sông Mekong tải 160 triệu tấn phù sa mịn, lơ lửng trong nước và 30 triệu tấn cát sỏi ở đáy sông về ĐBSCL. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng bồi đắp cho sông, biển và hơn 30.000 km kênh nhân tạo ĐBSCL suốt hàng nghìn năm.
Từ một trong những vùng đất màu mỡ nhất thế giới, hai thập niên qua, nguồn dinh dưỡng này đang ngày càng cạn kiệt khiến vùng châu thổ Cửu Long rơi vào cảnh sạt lở liên miên. Tốc độ bồi đắp không theo kịp tình trạng xói lở, hệ quả là vùng đồng bằng non trẻ đang teo lại. Suốt hàng nghìn năm, châu thổ này mở rộng với tốc độ 16 km2 – khoảng 3.000 sân bóng đá – mỗi năm. Giờ đây, cùng khoảng thời gian đó, nó lại mất trung bình 5 km2 đất, tương đương 926 sân bóng đá.
“Bên lở bên bồi là quy luật tự nhiên từ ngàn xưa trong tiến trình hình thành châu thổ sông Mekong. Song về tổng thể, đồng bằng Mekong luôn nở ra do được bồi nhiều hơn”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập hơn 20 năm nghiên cứu về ĐBSCL, phân tích.
Trung bình mỗi năm, phù sa và cát đi được 200 km trên dòng Mekong vào mùa lũ, tức tháng 7 đến 9 hàng năm. Mất 20-30 năm, các trầm tích này mới đi hết chặng đường 4.400 km từ Trung Quốc về Việt Nam. Khi đến hạ lưu, dòng chảy mang theo cát và sỏi sẽ vừa bào mòn, vừa bồi đắp bờ sông theo nguyên lý “xói bên bờ lõm, bồi bên bờ lồi”. Trong khi đó, cát nhỏ, phù sa và bùn mịn nhẹ hơn đổ ra biển. Một phần trong số này sẽ lắng xuống ở cửa sông giúp mở rộng lãnh thổ, và cũng là lớp “áo giáp” bao bọc vùng đồng bằng khỏi tác động gây sạt lở của sóng biển.
Tuy nhiên, quy luật này không còn đúng khi tốc độ bồi – lở đạt ngưỡng cân bằng vào năm 1990. Đến 2005, lở đã chiếm ưu thế khiến đồng bằng “teo” dần, theo nghiên cứu của Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam (SIWRR).
Tốc độ thay đổi đường bờ biển giai đoạn 1990 – 2015
Cụ thể, giai đoạn 1973-1995, vùng châu thổ này có tốc độ bồi tụ trung bình 7,2 m mỗi năm. 10 năm tiếp theo, con số này giảm còn khoảng 2,8 m. Giai đoạn 2005-2015, tỷ lệ bồi – lở tụt xuống âm 1,4 m mỗi năm, đánh dấu sự đảo chiều khi xói lở nhiều hơn bồi đắp. 68% tổng chiều dài đường bờ biển ĐBSCL xuất hiện tình trạng sạt lở.
Đây cũng là giai đoạn căn nhà mới cất chưa được ba năm của ông Thơm bắt đầu bị con sông “ăn mòn”, rơi một nửa xuống kênh trong trận sạt lở năm 2001. Bờ sông Cái Vừng kể từ đó xói lở liên miên, thành một trong hàng trăm điểm nóng của ĐBSCL.
Theo chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện, nguyên nhân chính khiến sạt lở chiếm ưu thế do dòng Mekong thiếu phù sa, cát, sỏi – vật liệu chính tạo nên hình hài của đồng bằng ngày nay.
Ủy hội sông Mekong xác định từ năm 1994, lượng phù sa hàng năm đổ về hạ lưu giảm hơn 300% – từ 160 (1992) còn 47,4 triệu tấn (2020). Cơ quan này dự báo đến năm 2040 chỉ 4,5 triệu tấn trầm tích đổ về ĐBSCL, giảm 36 lần so với năm 1992 (160 triệu tấn). Một số dự báo cực đoan còn cho rằng khi các đập thủy điện ở hạ lưu hoàn tất, 100% lượng cát sỏi di chuyển ở đáy sông sẽ hoàn toàn bị các đập giữ lại.
Sau 6.000 năm, nơi được biết đến như một trong những vùng châu thổ màu mỡ nhất thế giới, đang rơi vào cảnh “đói” phù sa khi lớp trầm tích bị mắc kẹt ở thượng nguồn.
Lượng trầm tích giảm khi có thêm đập thuỷ điện dọc dòng Mekong
Lượng phù sa thượng nguồn xuống ĐBSCL giảm rõ rệt từ năm 1993 – khi đập thuỷ điện đầu tiên của Mekong – Mạn Loan – được xây dựng trên dòng thác Lan Thương (Trung Quốc). Trong tương lai, 4.350 km dọc dòng Mekong sẽ có hơn 400 đập thuỷ điện hoạt động, và giữ lại hầu hết phù sa ở thượng nguồn.
Cùng với đó, diễn biến sạt lở ở ĐBSCL cũng bắt đầu gia tăng rõ rệt, từ dưới 100 điểm sạt lở (trước năm 2012) lên đến khoảng 600 như hiện nay. Xói lở bờ sông, kênh, rạch tập trung ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp và các khu vực chuyển tiếp giữa vùng chịu ảnh hưởng của triều và thượng nguồn như Cần Thơ, Tiền Giang, Vĩnh Long, đến ven biển như Cà Mau, Sóc Trăng.
“ĐBSCL đang chảy máu đất nhanh hơn nhiều so với các vùng châu thổ khác trên thế giới”, ông Marc Goichot, Trưởng Chương trình Nước ngọt của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, cảnh báo.
Ông dẫn chứng các vùng châu thổ như sông Rhine (Hà Lan), Mississippi (Mỹ) đều đến giai đoạn gặp loạt vấn đề như ĐBSCL. Tuy nhiên, trong khi các nước khác phải mất hơn 100 năm mới đối mặt với tình trạng căng thẳng này, miền Tây Việt Nam chỉ mất 20-30 năm.
Đồng bằng mất đất sẽ kéo theo loạt hệ quả như mất nước ngọt, năng suất nông nghiệp giảm, cơ sở hạ tầng sụp đổ, và theo đó là sinh kế của 17 triệu người gặp rủi ro.
Số điểm và chiều dài sạt lở của 13 tỉnh miền Tây từ năm 2017 đến nay
ĐBSCL ngày càng bị thu hẹp không chỉ do sạt lở, mà còn đang lún với tốc độ trung bình hơn 1 cm mỗi năm – gấp 3 đến 8 lần mức tăng của mực nước biển.
Nghiên cứu của TS Rafael Schmitt (Đại học Stanford) và đồng nghiệp năm 2021 cho thấy 23 đến 90% vùng đồng bằng sẽ chìm dưới đại dương vào năm 2100, tuỳ thuộc vào trầm tích, lượng nước ngầm và mực nước biển dâng. Vùng châu thổ này nằm trong ba đồng bằng dễ tổn thương nhất thế giới, và sẽ dần biến mất trong 80 năm tới. Ở hạ nguồn Mekong, đây là nơi xuất hiện cuối cùng, nhưng sẽ biến mất đầu tiên khi nước biển dâng, và đại dương lại ôm trọn lấy vùng đồng bằng này như 6.000 năm trước.
“Con người và vùng châu thổ rất gắn bó với nhau. Khi đồng bằng được bồi đắp, các nền văn minh cũng xuất hiện. Thật đáng sợ khi nghĩ đến những gì có thể xảy ra nếu các đồng bằng sông biến mất”, ông Goichot nói.
Nội dung: Thu Hằng – Ngọc Tài – Hoàng Nam
Đồ họa: Hoàng Khánh – Thanh Hạ
Về dữ liệu:
Bài viết được thực hiện với sự tư vấn của chuyên gia độc lập về ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện; Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam; và sử dụng tư liệu từ các nghiên cứu:
- Quá trình hình thành châu thổ sông Cửu Long (2008). Lê Xuân Diệm
- The role of sedimentation and natural compaction in a prograding delta: insights from the mega Mekong delta, Vietnam (2018). Claudia Zoccarato, Philip S. J. Minderhoud & Pietro Teatini
- Báo cáo lún sụt đất và xói lở vùng ĐBSCL, thực trạng, nguyên nhân và định hướng giải pháp (2017). Bộ NNPTNT
- Phân tích nguyên nhân gây gia tăng xói lở bờ sông ở ĐBSCL (2019). Huỳnh Công Hoài, Nguyễn Thị Bảy, Đào Nguyên Khôi, Trà Nguyễn Quỳnh Nga
- Dữ liệu trong bài được lấy từ Viện Khoa học Thuỷ lợi miền Nam (SIWRR), Uỷ hội sông Mekong (MRC)
- Vị trí các đập thuỷ điện dựa trên hệ thống giám sát của dự án nằm trong Sáng kiến Dữ liệu Nước Mê Kông (Mekong Water Data Initiative, MWDI) chuyên thu thập, phân tích dữ liệu về quản lý nước